Finance Business Partner: Dẫn lối kinh doanh bằng phân tích và tư duy tài chính

//Finance Business Partner: Dẫn lối kinh doanh bằng phân tích và tư duy tài chính
Giải mã ngành Phân tích Đầu tư Tài chính_web
Strategic Updates on Tax & Management Accounting 2025_web
Mung xuan hai loc 2024_web
Uu dai ACCA (1)_website
Phân tích đầu tư tài chính CFA_website copy 2
Chinh phục CMA_xuan_Banner Website 1920×381
Thong thao IFRS_website copy
Quản trị Nguồn Vốn và Tài Chính_CTP_Banner Website
dịch vụ cho thuê phòng học hội thảo 1

Finance Business Partner: Dẫn lối kinh doanh bằng phân tích và tư duy tài chính

1. Định nghĩa và sự phát triển của vai trò Finance Business Partner

Finance Business Partner (Đối tác kinh doanh tài chính) là chuyên gia tài chính không chỉ làm việc trong nội bộ bộ phận tài chính mà còn hợp tác với các phòng ban khác như kinh doanh và marketing, nhằm cung cấp thông tin tài chính và tư vấn chiến lược, hỗ trợ quyết định phù hợp với mục tiêu doanh nghiệp.

Trước đây, các chuyên gia tài chính doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào các công việc như lập ngân sách, báo cáo và tuân thủ — đảm bảo tính chính xác và kiểm soát. Tuy nhiên, với sự gia tăng của các doanh nghiệp phức tạp và dựa trên dữ liệu, vai trò này đã mở rộng để hợp tác với gần như mọi bộ phận trong tổ chức.

Ngày nay, Finance Business Partner đóng vai trò như một cố vấn chiến lược, cung cấp các phân tích và thông tin thời gian thực để định hình quyết định kinh doanh. Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi sự phát triển công nghệ, nhu cầu ra quyết định nhanh chóng và yêu cầu tài chính đóng vai trò tích cực hơn trong chiến lược kinh doanh.

2. Trách nhiệm chính của Finance Business Partner

Finance Business Partner

  •  Lập kế hoạch và phân tích tài chính

Finance Business Partner có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ xây dựng chiến lược và quy trình lập kế hoạch tài chính cho công ty. Ngoài việc thực hiện lập ngân sách, họ còn áp dụng các mô hình tài chính để dự báo và bảo đảm kế hoạch kinh doanh phù hợp với mục tiêu, cũng như các nguồn lực tài chính hiện có.

  • Ra quyết định dựa trên dữ liệu

Thông qua việc phân tích các dữ liệu tài chính, Finance Business Partner cung cấp những thông tin quan trọng giúp các bộ phận đưa ra quyết định chính xác. Các phân tích này có thể bao gồm đánh giá lợi nhuận từ các sản phẩm mới, dự báo hiệu suất trong tương lai hay tối ưu hóa chi phí vận hành.

  • Hợp tác với các bên liên quan nội bộ

Finance Business Partner phối hợp chặt chẽ với đội ngũ tài chính, ban lãnh đạo và các phòng ban khác trong công ty để giúp họ hiểu rõ tác động tài chính của các quyết định.

  • Vai trò cố vấn

Với vai trò là người cố vấn đáng tin cậy, họ hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vượt qua các khó khăn tài chính, đưa ra giải pháp về phân bổ nguồn lực, đầu tư và quản lý chi phí hiệu quả.

  • Giám sát hiệu quả hoạt động

Finance Business Partner liên tục theo dõi và đánh giá hiệu quả tài chính của tổ chức thông qua các chỉ số chẳng hạn chỉ số hiệu suất chính (KPIs). Dựa trên đó, họ đưa ra những khuyến nghị cải tiến để giúp công ty đạt được các mục tiêu tài chính đã đề ra.

3. Kỹ năng và trình độ cần thiết

Để thành công trong vai trò đối tác kinh doanh tài chính, bạn cần kết hợp giữa chuyên môn kỹ thuật, tư duy nhạy bén về kinh doanh, kỹ năng phân tích và khả năng xây dựng mối quan hệ. Việc trang bị nền tảng giáo dục vững chắc và các chứng chỉ chuyên môn sẽ tạo ra một cơ sở vững vàng giúp bạn phát triển và thành công trong vai trò này.

  • Kỹ năng chuyên môn

Phân tích và mô hình tài chính: Sự thành thạo trong việc xây dựng và giải thích các mô hình tài chính, bao gồm lập ngân sách, dự báo và phân tích các tình huống tài chính.

Phân tích dữ liệu: Kỹ năng sử dụng dữ liệu để thực hiện phân tích tài chính và tạo ra các thông tin chiến lược. Kinh nghiệm làm việc với các công cụ tài chính như Excel, Power BI và Tableau là rất quan trọng.

Kiến thức kế toán: Hiểu biết sâu rộng về các nguyên tắc kế toán cơ bản, bao gồm lập báo cáo tài chính và tuân thủ các quy định pháp lý.

Hệ thống ERP & Tài chính: Quen thuộc với các hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) như SAP hoặc Oracle, giúp quản lý và tích hợp tài chính công ty hiệu quả.

  • Kỹ năng mềm

Kỹ năng giao tiếp: Khả năng giải thích các thông tin tài chính phức tạp thành những ý tưởng rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng cho các đối tượng không chuyên về tài chính.

Hợp tác và xây dựng mối quan hệ: Xây dựng quan hệ đối tác bền vững với các phòng ban khác nhau, đồng thời đóng vai trò là một cố vấn đáng tin cậy trong tổ chức.

Tư duy chiến lược: Có khả năng nhìn nhận bức tranh tổng thể và đảm bảo các khuyến nghị tài chính phù hợp với mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp.

Giải quyết vấn đề: Chủ động nhận diện các thách thức tài chính và đưa ra các giải pháp thực tiễn nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Trí tuệ cảm xúc: Hiểu rõ nhu cầu và động lực của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp để tác động hiệu quả đến quyết định chiến lược.

  • Trình độ học vấn

Một bằng cử nhân về tài chính, kế toán, kinh tế hoặc quản trị kinh doanh là điều kiện cần thiết để bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực tài chính.

Ngoài ra, việc theo đuổi các chứng chỉ nâng cao chuyên môn như Chứng chỉ Financial Planning and Analysis (FP&A), Chartered Financial Analyst (CFA), hay Certified Management Accountant (CMA) sẽ giúp bạn nâng cao uy tín và chuyên môn trong ngành tài chính.

4. Tầm quan trọng của Finance Business Partner

Finance Business Partner (FBP) đang ngày càng khẳng định vai trò thiết yếu đối với sự thành công và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Là cầu nối giữa bộ phận tài chính và các phòng ban khác, FBP đảm bảo rằng các chiến lược tài chính được lồng ghép chặt chẽ vào mọi hoạt động kinh doanh. Điều này không chỉ giúp đồng bộ hóa các hoạt động hàng ngày với các mục tiêu tài chính dài hạn mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc ra quyết định chiến lược trong toàn tổ chức.

Bên cạnh đó, Finance Business Partner đóng vai trò trung tâm trong việc nhận diện và quản lý rủi ro, đồng thời khai thác tối đa các cơ hội. Khả năng phân tích hiệu suất tài chính theo thời gian thực, kết hợp với những khuyến nghị mang tính thực tiễn, cho phép doanh nghiệp linh hoạt thích nghi với các biến động của thị trường. Sự nhạy bén này không chỉ giúp công ty tồn tại mà còn tạo lợi thế cạnh tranh để phát triển vượt bậc trong môi trường đầy thách thức.

Finance Business Partner còn góp phần xây dựng một văn hóa doanh nghiệp nơi trách nhiệm tài chính được chia sẻ rộng rãi. Văn hóa này thúc đẩy sự hợp tác giữa các phòng ban, nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý nguồn lực và khuyến khích sự tăng trưởng bền vững, từ đó tạo nên giá trị lâu dài cho tổ chức.

5. Thách thức trong vai trò Finance Business Partner

Vai trò của Finance Business Partner (FBP) không chỉ mang đến những cơ hội lớn mà còn đi kèm với nhiều thách thức đòi hỏi sự linh hoạt và kỹ năng đa dạng. Dưới đây là những thách thức phổ biến mà FBP thường gặp phải:

thách thức của Finance Business Partner

  • Cân bằng giữa tính khách quan và vai trò hỗ trợ

Finance Business Partner phải duy trì tính khách quan trong việc đưa ra phân tích tài chính, đồng thời bảo vệ lợi ích tốt nhất cho các phòng ban mà họ hỗ trợ. Điều này trở nên khó khăn khi thực tế tài chính không đồng nhất với các mục tiêu hoặc kỳ vọng của doanh nghiệp. 

  • Xử lý khối lượng dữ liệu lớn

Finance Business Partner có quyền truy cập vào lượng lớn dữ liệu tài chính, nhưng việc chọn lọc và xác định những thông tin quan trọng nhất có thể dẫn đến tình trạng quá tải. Khả năng phân tích dữ liệu một cách nhanh chóng và hiệu quả là yếu tố then chốt để đưa ra các khuyến nghị mang tính hành động.

  • Tác động mà không có quyền hạn trực tiếp

Dù có vai trò quan trọng trong các quyết định tài chính chiến lược, Finance Business Partner thường không có quyền lực trực tiếp đối với các phòng ban khác. Điều này đòi hỏi kỹ năng giao tiếp và thuyết phục vượt trội để định hướng các đội nhóm đưa ra quyết định phù hợp với lợi ích chung của công ty.

  • Thích nghi với công nghệ thay đổi nhanh chóng

Các công cụ và hệ thống tài chính không ngừng cải tiến và phát triển. Finance Business Partner phải luôn cập nhật và làm quen với những công nghệ mới nhất để đảm bảo họ tận dụng tối đa các công cụ phục vụ phân tích và báo cáo dữ liệu.

  • Quản lý kỳ vọng của các bên liên quan

Mỗi phòng ban trong doanh nghiệp có thể có những ưu tiên và mục tiêu riêng, đôi khi xung đột với nhau. Finance Business Partner cần phải tìm cách cân bằng giữa những hạn chế tài chính và các mục tiêu kinh doanh, đòi hỏi kỹ năng ngoại giao khéo léo và tư duy chiến lược sắc bén.

6. Mức thu nhập tại Việt Nam và thế giới

Theo Glassdoor, tổng thu nhập ước tính cho một Finance Business Partner tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam là 30.412.438 VNĐ mỗi tháng, với mức lương trung bình khoảng 18.000.000 VNĐ mỗi tháng. Những con số này đại diện cho mức trung vị của các khoảng thu nhập từ mô hình ước tính tổng thu nhập độc quyền của Glassdoor và dựa trên dữ liệu lương do người dùng cung cấp. Khoản thu nhập bổ sung ước tính là 12.412.438 VNĐ mỗi tháng. Khoản thu nhập bổ sung này có thể bao gồm tiền thưởng bằng tiền mặt, hoa hồng, tiền tip và phân chia lợi nhuận.

Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (BLS), mức lương trung bình của một Finance Business Partner là 139,790 USD mỗi năm. Các vị trí mới bắt đầu (entry-level) có mức lương khởi điểm 79,050 USD mỗi năm, và mức thu nhập sẽ tăng lên khi bạn tích lũy thêm kỹ năng và kinh nghiệm. Những chuyên gia hàng đầu trong vị trí này nhận được gói lương thưởng lên đến hơn 239,200 USD mỗi năm. Finance Business Partner cũng thường nhận được các khoản tiền thưởng hấp dẫn vì vai trò của họ trực tiếp đóng góp vào sự phát triển và thành công của doanh nghiệp. Tổng thu nhập thường bao gồm các lợi ích và đãi ngộ khác nhau như bảo hiểm y tế, kế hoạch hưu trí, và quyền chọn cổ phiếu.

Ban Chuyên môn Smart Train tổng hợp.

Nguồn tham khảo:
Finance Business Partner Salaries – Glassdoor
U.S. Bureau of Labor Statistics

Bạn quan tâm tới vị trí Finance Business Partner đừng ngần ngại liên hệ với Smart Train để nhận tư vấn chương trình học phù hợp nhất!

2025-01-02T15:02:12+07:00
Liên hệ