(VEN) – Năm 2015 là năm hội nhập sâu rộng của Việt Nam với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã, đang được kết thúc đàm phán và ký kết. Tại khu vực Đông Nam Á, theo lộ trình, Việt Nam sẽ cùng với các quốc gia ASEAN hình thành Cộng đồng kinh tế (AEC) ngày 31/12/2015. Hội nhập toàn diện các nền kinh tế trong khu vực mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít thách thức đối với các lĩnh vực kinh tế, trong đó có hoạt động tài chính ngân hàng.
Đón đầu xu thế hội nhập đang đến gần, các ngân hàng thương mại trong khu vực đã đến Việt Nam nhiều hơn. Đơn cử như Ngân hàng Kasikorn của Thái Lan vừa thành lập hai văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trước đó, Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS) và Maybank (Malaysia) cũng đã hiện diện tại thị trường Việt Nam. Các tên tuổi này đều bộc lộ kế hoạch sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam và có thêm nhiều văn phòng và chi nhánh sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép. Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại Việt Nam như BIDV, VietinBank, Vietcombank cũng tăng sự hiện diện của mình ở một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar và Singapore bằng việc mở chi nhánh, văn phòng đại diện. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực: Nhiều ngân hàng thương mại của các nước ASEAN, kể cả các ngân hàng thương mại Việt Nam đã có hiện diện thương mại ở các nước trong khối ASEAN, với nỗ lực mở rộng cơ hội đầu tư ra ngoài lãnh thổ, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch giữa các nước thành viên. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng lên khi AEC chính thức đi vào hoạt động”.
Tuy nhiên, việc mở chi nhánh hay văn phòng đại diện ở nước khác trong khu vực chỉ là bước đi ban đầu của quá trình hội nhập. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực tài chính mới là động thái quan trọng để đem đến những nguồn vốn lớn, những thay đổi căn bản về sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng. Theo chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Phan Minh Ngọc, xét riêng về triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam, cũng giống như các thành viên khác, hội nhập trong AEC với các thương vụ M&A trong tương lai về tổng thể sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho Việt Nam khi nó mang đến một lượng vốn mới rất cần thiết và những hiệu ứng cộng hưởng tích cực mới. Ngược lại, các ngân hàng Việt Nam cũng hứa hẹn là cơ hội tốt trong các thương vụ M&A với ngân hàng nước khác trong khối.
Tại cuộc hội thảo “Cộng đồng kinh tế ASEAN – Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam” tổ chức ngày 10/6/2015 tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết: Theo lộ trình đã cam kết, đến năm 2015, các nước sẽ phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ với mức sở hữu nước ngoài có thể lên đến 70%. Theo đó, Việt Nam phải mở cửa hơn trong ngành ngân hàng, bảo hiểm và thị trường vốn. Hiện nay, đối với lĩnh vực ngân hàng, giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 30% (nếu nhiều hơn cần có chấp thuận của Chính phủ), đối với lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán là 49%. Với giới hạn trần về sở hữu nước ngoài theo quy định, các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ làm nhiều ngân hàng nước ngoài ngần ngại trong việc tìm kiếm cơ hội M&A ở Việt Nam và khiến cho thị trường này kém phát triển. Do đó, để chuẩn bị và thúc đẩy quá trình hội nhập ngành ngân hàng trong khuôn khổ AEC, “Việt Nam cần chủ động (có lộ trình) sửa đổi theo hướng nâng cao, tiến tới xóa bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài, đồng thời có những ưu đãi về thuế đối với hoạt động M&A để khuyến khích quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng với sự tham gia tích cực của các ngân hàng nước khác trong khối” – tiến sĩ Phan Minh Ngọc bày tỏ.
Để có thể cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực khi tham gia AEC, các ngân hàng trong nước không chỉ nhờ đến những thương vụ M&A mà còn cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm. Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, ngành ngân hàng cần cam kết nỗ lực giảm thiểu thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ; tiếp tục đổi mới công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ cho các hoạt động xuấtnhập khẩu, đầu tư, tư vấn; nâng cao khả năng hội nhập, tăng cường kết nối với hệ thốngđịnh chế tài chính quốc tế./.
Trong quá trình hội nhập, hệ thống tài chính trong AEC có thể hỗ trợ, cung ứng dịch vụ đối với doanh nghiệp, bao gồm: Thanh toán quốc tế; tài trợ thương mại; phòng ngừa rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất, rủi ro giá chứng khoán; bán chéo sản phẩm ngân hàng – bảo hiểm – chứng khoán; tư vấn thông tin, cung cấp báo cáo phân tích thị trường, xu thế;xúc tiến đầu tư, thương mại trong nước và qua các hiệp hội; thiết kế và tổ chức các chương trình đào tạo, nhất là đối với DN vừa và nhỏ.
Thùy Linh
Nguồn: www.ven.vn
CẦN THÊM THÔNG TIN? CHÚNG TÔI Ở ĐÂY ĐỂ HỖ TRỢ BẠN