Chuẩn bị nguồn nhân lực ngành kế toán, kiểm toán chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 rất cần vai trò nòng cốt của các trường đại học.
Phát triển nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán hiện đại là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại tọa đàm “Cách mạng công nghệ 4.0: Thời cơ và thách thức với kế toán kiểm toán” do Bộ Tài chính phối hợp với Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức diễn ra mới.
Không phải công nghệ mới, chuẩn bị con người mới quan trọng nhất
Ông Narayanan Vaidyanathan – Trưởng Bộ phận Nghiên cứu chuyên môn ACCA toàn cầu lưu ý: Cuộc đua thích ứng với sự thay đổi đến từ CMCN 4.0 sẽ diễn ra trong hầu hết mọi lĩnh vực và kế toán, tài chính không nằm ngoài quy luật chung đó.
Theo ông Narayanan, ACCA đã thực hiện các nghiên cứu chuyên môn về các mô hình kinh doanh của tương lai, thuật toán máy móc tự học (machine learning), người máy… để đáp ứng sự thay đổi. Tuy nhiên, trong mọi sự chuẩn bị, không phải các công nghệ mới – con người, mới là sự chuẩn bị quan trọng nhất.
PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán Việt Nam (VAA) nhận định: Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thì việc chủ động chuẩn bị những nền tảng cần thiết để tiếp cận thành tựu công nghệ mới từ cuộc CMCN 4.0 sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực tài chính, kế toán và kiểm toán nói riêng tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, vào thị trường dịch vụ tài chính; đóng góp tích cực cho tăng trưởng của đất nước.
Mặc dù không nằm trong 9 khu vực/ lĩnh vực được đánh giá là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của CMCN 4.0 nhưng tài chính, dịch vụ tài chính, đặc biệt là kế toán kiểm toán – khu vực được coi là đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng và tác động rất lớn của CMCN 4.0.
“CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi hoàn toàn các kênh và phương thức huy động, phân phối vốn, phương thức tiếp cận vốn, tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Do đó, Việt Nam cần thiết phát triển nguồn nhân lực tài chính, ngân hàng theo hướng nguồn nhân lực công nghệ cao, nâng cao tính chuyên nghiệp, kỹ năng, khả năng làm chủ hệ thống công nghệ hiện đại”, PGS.TS Đặng Văn Thanh nhấn mạnh.
Nhà trường phải chủ động thay đổi cách đào tạo
Ông Lê Hồng Quang – Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Misa kiến nghị tăng cường đào tạo tại các trường đại học, theo tư duy công nghệ 4.0 phát triển các kỹ năng mới phục vụ cho công việc với môi trường 4.0 tại các doanh nghiệp, cơ quan.
Theo ông Phạm Sỹ Danh – Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), CMCN 4.0 hiện đang cảnh báo cho doanh nghiệp dịch vụ kế toán, kiểm toán. Các kế toán viên là nhóm đối tượng đầu tiên chịu thua thiệt nếu không thay đổi tư duy, đổi mới cách cung cấp dịch vụ, không vận dụng công nghệ, không hội nhập toàn cầu.
Tháng 6/2018, VACPA đã thực hiện khảo sát đánh giá ảnh hưởng của CMCN 4.0 đến lĩnh vực và đặc biệt là đối với các kế toán viên (KTV), doanh nghiệp kiểm toán (DNKiT).
Kết quả cho thấy, các KTV và DNKiT mong muốn có mức độ thay đổi cụ thể với hai chuyên ngành kế toán và kiểm toán trong các trường đại học: Đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán theo hướng có các ứng dụng công nghệ thông tin: cần có sự thay đổi lớn với 52% ý kiến được khảo sát và 19% ý kiến yêu cầu nhà trường cần có sự thay đổi toàn diện chương trình đào tạo.
Đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin: có đến 42% ý kiến cho rằng nhà trường cần đào tạo một phần khối kiến thức này, 41% tin rằng nhà trường cần có sự đào tạo rộng khối kiến thức này, và đặc biệt có đến 13% các KTV và DNKiT cho rằng nhà trường cần đào tạo bài bản và sâu khối kiến thức này cho sinh viên ngành kế toán, kiểm toán để sinh viên có thể thích nghi với điều kiện và môi trường làm việc CMCN 4.0 khi ra trường.
Đối với các sinh viên mới ra trường (làm ở doanh nghiệp hay các công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán, tài chính), các hội nghề nghiệp (như VACPA, ACCA) có thể hỗ trợ công tác giáo dục, đào tạo về CMCN 4.0 bằng việc tạo ra áp lực để các cơ sở đào tạo, các trường đại học bổ sung vào chương trình học giúp các sinh viên sắp tốt nghiệp có những kết nối thông tin và kỹ năng về kỹ thuật số.
“Các trường đại học có thể đầu tư công nghệ giúp sinh viên có thể thực hành để có kinh nghiệm thực tế trong bối cảnh CMCN 4.0, có được các kiến thức về những tác động xã hội tiềm ẩn của hệ thống tự động hóa và hệ thống thông minh và cách thức giải quyết các vấn đề này.
Các hội nghề nghiệp có thể phối hợp với các công ty, cơ sở đào tạo để tổ chức những khóa học phù hợp với những nội dung như mã hóa, quản lý thông tin ở những nền tảng chia sẻ được như điện toán đám mây và đánh giá những nhu cầu về kế toán theo thời gian thực của các đối tượng khác nhau từ nhà quản trị doanh nghiệp, các cổ đông, người lao động, các cơ quan phi chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và các bên có lợi ích liên quan khác”, ông Phạm Sỹ Danh kiến nghị.
Những kỹ năng người làm tài chính, kế toán hiện đại cần có?
Bà Nguyễn Thị Thủy (Hội viện kỳ cựu Hiệp hội Kế toán viên công chứng Anh quốc – ACCA, Hội viên Hội Kế toán Việt Nam – VAA và Hội viên CLB Kế toán trưởng toàn quốc) nhấn mạnh, người làm công tác tài chính, kế toán trong bối cảnh CMCM 4.0 nên trang bị đầy đủ những kỹ năng chuyên sâu và cập nhật.
Đứng ở góc độ cá nhân của một người làm trong công tác kế toán tài chính trên 20 năm và là giảng viên ACCA – Hiệp hội kế toán viên kỳ cựu ACCA toàn cầu, bà Thủy dành lời khuyên cho các bạn đang làm trong lĩnh vực tài chính, kế toán cũng như các bạn sinh viên chuẩn bị bước vào nghề tài chính kế toán kiểm toán.
Bà Thủy nói: “Tôi rất hứng thú với gợi ý từ đại diện chuyên môn của ACCA toàn cầu, đấy là trong tương lai năng lực chuyên môn và sự cẩn trọng rất quan trọng. Do đó các bạn sinh viên cần dành nhiều thời gian tập trung vào nâng cao năng lực chuyên môn và sự cẩn trọng là tối quan trọng với người làm nghề”.
Khi làm việc chúng ta phải luôn có thái độ hoài nghi nghề nghiệp, chỉ cần các bạn nắm được chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, giữ được các yêu cầu của đạo đức nghề nghiệp ở Việt Nam trong kế toán và kiểm toán.
Thêm nữa, kỹ năng phối hợp với người khác – làm việc đội nhóm, quản trị trí tuệ cảm xúc, kỹ năng đánh giá và đưa ra quyết định cần rèn luyện. Các bạn cũng không thể bỏ qua kỹ năng tư duy dịch, đem đến sự hỗ trợ tốt nhất cho các đối tác, người cần sử dụng dịch vụ – đó là tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ toàn cầu. Khi bạn có tư duy dịch vụ rồi bạn làm ở lĩnh vực nào doanh nghiệp nào bạn cũng thấy ổn, hạnh phúc, vui vẻ. Ngoài ra, bạn trẻ cần trau dồi kỹ năng đàm phán, linh hoạt trong tư duy.
“Đặc biệt, để đáp ứng kịp với cuộc CMCN 4.0, bạn trẻ nên trau dồi các kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, kỹ năng tư duy phản biện, khả năng sáng tạo, kỹ năng quản trị con người và trí tuệ cảm xúc. Bởi vì máy móc không thể làm thay con người được, máy móc đều do con người thiết kế và chỉ đạo nó”, bà Thủy nhấn mạnh.
Nguồn: ACCA
CẦN THÊM THÔNG TIN? CHÚNG TÔI Ở ĐÂY ĐỂ HỖ TRỢ BẠN