Dọn đường cho chuẩn Kế toán IFRS

//Dọn đường cho chuẩn Kế toán IFRS
Chủ đề Các phương pháp tính giá thành_Banner Website
Uu dai T11-2024-04
Banner 15 năm-03
Ra mắt lần đầu tiên FPAC_web
z5667283032609_97d481b1509ba7278f9e19efa91c8f40
Uu dai ACCA (1)_website
Phân tích đầu tư tài chính CFA_website copy
Chinh phục CMA_Banner Website 1920×381
Thong thao IFRS_website
Quản trị Nguồn Vốn và Tài Chính_CTP_Banner Website
ISCAccountify – Nền tảng học khóa ngắn hạn trực tuyến quốc tế_website copy
dịch vụ cho thuê phòng học hội thảo 1

Dọn đường cho chuẩn Kế toán IFRS

Việt Nam đang đứng trước sức ép cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế, tái cơ cấu hoạt động doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thì chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) được xây dựng từ cách đây 10 năm đã ít nhiều không còn phù hợp. Đơn cử, nhiều khoản mục trên báo cáo tài chính thay vì cần được đánh giá lại theo giá trị hợp lý hoặc giá trị có thể thu hồi thì theo VAS, vẫn ghi nhận với giá gốc. Ở VAS cũng chưa có những chuẩn mực cho việc ghi nhận các tổn thất tài sản, các công cụ phái sinh. Và dù là nền kinh tế có tỉ trọng nông nghiệp chiếm phần lớn, nhưng Việt Nam vẫn chưa xây dựng được chuẩn mực kế toán cho lĩnh vực này.

Do đó việc sớm ban hành các quy định buộc doanh nghiệp nâng chất lượng báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế (IFRS) là cách giúp Việt Nam không bị lạc hậu và giảm được rào cản khi tham gia thị trường vốn quốc tế. Về phía doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm giải trình cao hơn, tăng tính minh bạch, tăng khả năng so sánh cũng như cung cấp nhiều thông tin tài chính hữu ích hơn. Từ đây, nhà đầu tư sẽ có cơ sở để ra quyết định đúng đắn. Ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, từng đánh giá, IFRS là chuẩn mực lập ra phục vụ nhà đầu tư.

Trong hội thảo về IFRS do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) tổ chức, bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), chia sẻ, ở những lần gọi vốn nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam đều phải làm thêm bảng so sánh giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam với chuẩn mực IFRS. Nếu là thương vụ lớn, doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện toàn bộ báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS.

Thống kê từ Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) cho hay, đến tháng 8/2016, đã có 137 quốc gia cam kết áp dụng IFRS. Trong đó, có 122 quốc gia yêu cầu toàn bộ hoặc một phần công ty niêm yết phải thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS. Ngay Mỹ lâu nay chỉ áp dụng các nguyên tắc kế toán riêng (US GAAP) cũng đang xem xét hợp nhất US GAAP và IFRS. Việt Nam là 1 trong 10 nước đứng bên ngoài cam kết này. Các chuyên gia thừa nhận, muốn nói chung một ngôn ngữ kế toán với thế giới, thúc đẩy môi trường kinh doanh, tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư…, Việt Nam cần thống nhất VAS và IFRS.

Nhận thấy xu hướng tất yếu này, Bộ Tài Chính đã đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ ban hành chuẩn mực kế toán Việt Nam theo hướng cập nhật những thay đổi của chuẩn mực quốc tế, tức ban hành VAS/VFRS. Đến năm 2025, Bộ sẽ áp dụng IFRS theo 3 cấp độ: các công ty có lợi ích công chúng thực hiện IFRS nguyên mẫu; các công ty khác áp dụng VAS/VFRS; doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) thì thực hiện chế độ kế toán dành cho SME.

Lộ trình là vậy nhưng áp dụng IFRS không hề đơn giản. Hiện Việt Nam không có trường đào tạo các nội dung của IFRS. Những người làm kế toán cũng chưa được chuyên sâu về IFRS. Chỉ vài tổ chức như ICAEW, CPA Úc, ACCA… là có chương trình đào tạo và học viên thường đến từ công ty nước ngoài. Nếu các công ty đại chúng đều bắt buộc phải thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS, câu chuyện nhân sự trong những năm tới sẽ là thách thức lớn.

Một khó khăn khác là thị trường vốn, thị trường tài chính của Việt Nam còn sơ khai. Một số công cụ tài chính như trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi…chưa được giao dịch rộng rãi. Kinh tế Việt Nam lại chịu ảnh hưởng từ các doanh nghiệp nhà nước, vốn ngại thay đổi. Hệ thống công nghệ thông tin ở Việt Nam chưa đủ mạnh. Đặc biệt, luật pháp Việt Nam có những quy định về kế toán và báo cáo tài chính chưa tương thích với IFRS. Tất cả những điều này khiến quá trình thực thi IFRS ở Việt Nam gặp không ít trở ngại.

Bản thân doanh nghiệp cũng phải đối diện với một loạt vấn đề nếu muốn triển khai IFRS. Ngoài kết quả kinh doanh, đó còn là câu chuyện về thuế, quản trị đầu tư, quản lý rủi ro…Vì thế, theo bà Trần Anh Đào, HOSE, việc lập báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS chịu ảnh hưởng từ mọi góc độ: con người, công nghệ, quy trình.

Ở cấp quản lý, ông Trần Anh Quân, Phó Tổng Giám đốc công ty KPMG, cho rằng, Việt Nam cần cân nhắc các biện pháp liên quan đến đẩy mạnh đào tạo về IFRS, tăng cường tuyên truyền quảng cáo các lợi ích của IFRS, điều chỉnh cơ chế ban hành các quy định pháp luật về tài chính và kế toán để tránh mâu thuẫn trùng lắp, tách bạch quy định về thuế với các quy định kế toán. Cơ quan nhà nước cũng cần đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu, triển khai áp dụng IFRS.

Trước mắt, theo tiết lộ từ HOSE, top 10 doanh nghiệp đứng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều đã lập báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS. Tuy nhiên, báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS chỉ mới dừng ở sử dụng nội bộ. Các công ty thường sẽ mất nhiều hơn 2-3 tháng để làm báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS. Để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi định dạng báo cáo từ VAS sang IFRS, một chuyên gia trong ngành cho biết, các công ty kiểm toán trong nhóm Big 4 đều có dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi miễn phí, hoặc lấy phí không đáng kể. Dù vậy, VPBank, đơn vị đã lập báo cáo tài chính theo IFRS, cho biết là nếu Việt Nam áp dụng IFRS một cách chính thức, thay thế toàn bộ VAS, đây sẽ là thách thức cho VPBank nói riêng và các doanh nghiệp nói chung. Một khi IFRS trở thành tiêu chuẩn bắt buộc, việc chuẩn bị từ bây giờ sẽ giúp các công ty sẵn sàng trước những đòi hỏi của IFRS.

                (Trích nguồn: Báo Nhịp cầu đầu tư)

2020-03-20T14:00:48+07:00
Liên hệ