Dự báo những xu hướng thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán

//Dự báo những xu hướng thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán
KT Viet Nam trong ky nguyen hoi nhap IFRS_website
Mung xuan hai loc 2024_web
HB CIA_Banner website
Uu dai ACCA (1)_website
Phân tích đầu tư tài chính CFA_website copy
Chinh phục CMA_Banner Website 1920×381
Thong thao IFRS_website
Quản trị Nguồn Vốn và Tài Chính_CTP_Banner Website
dịch vụ cho thuê phòng học hội thảo 1
Banner 15 năm-03

Dự báo những xu hướng thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán

Dưới ảnh hưởng của Cách mạng công nghệ 4.0 và nhu cầu mới từ các doanh nghiệp, lĩnh vực kế toán, kiểm toán đang dần chuyển đổi sang dựa trên sự ứng dụng khoa học công nghệ mới và đổi mới sáng tạo. Điều đó làm thay đổi diện mạo, mô hình tổ chức doanh nghiệp và đặt ra những yêu cầu mới về kỹ năng đối với kế toán và kiểm toán viên. Trên cơ sở phân tích các xu hướng thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của thế giới, bài viết này đưa ra một số nhận định về vấn đề đặt ra đối với Việt Nam.

Nền kinh tế thế giới đang tiến vào kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều thành tựu khoa học công nghệ mới đang làm thay đổi diện mạo các hoạt động kinh tế, mô hình quản trị doanh nghiệp (DN) và sự liên kết chặt chẽ giữa con người và máy móc (Kiều, Hoàn Quốc (2020). Các hình thức kinh doanh mới có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối và các công nghệ khác đang đặt ra những thách thức và cơ hội mới cho nhiều lĩnh vực kinh tế khác, nhau trong đó có lĩnh vực kế toán, kiểm toán.

Thứ nhất, xu hướng tự động hóa các quy trình kế toán, kiểm toán.Quá trình tự động hóa các bước thực hiện các quy trình kế toán, kiểm toán ngày càng được phát triển, đặc biệt dưới ảnh hưởng từ công nghệ mới của công nghệ 4.0. Tự động hóa giúp cho việc loại trừ sự nhầm lẫn và tối thiểu hóa các lỗi kế toán, kiểm toán. Với lý do này, nhiều DN đang đầu tư mạnh hơn cho các giải pháp tự động hóa. Tuy nhiên, việc ứng dụng tự động hóa chủ yếu dựa vào hệ thống máy tính và đặt các DN trước những rủi ro trở thành các nạn nhân của sự gian lận và các vấn đề an ninh DN. Để phòng tránh các rủi ro, DN sẽ phải phát triển hệ thống kiểm soát nội bộ để đảm bảo dữ liệu được nhập vào hệ thống máy tính là chính xác. Do đó, DN sẽ không loại bỏ hoàn toàn các hoạt động kế toán, kiểm toán. Nhiều tập đoàn kiểm toán lớn trên thế giới đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi khác nhau nhằm thích ứng công nghệ 4.0. Họ xây dựng nhiều nền tảng công nghệ nhằm hỗ trợ quá trình kế toán, kiểm toán và trao đổi thông tin trong quá trình thực hiện các dịch vụ kế toán, kiểm toán; các kỹ thuật phân tích để xác định vấn đề, các phương thức khác nhau để sử dụng dữ liệu lớn và hoạt động kiểm toán đã trở nên hiệu quả hơn và thậm chí có nhiều công cụ kiểm toán mới.

Để hỗ trợ cho quá trình tự động hóa, các DN trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đã sử dụng dữ liệu và các quy trình tối ưu thông qua việc sử dụng các phần mềm kế toán, kiểm toán tốt nhất trong cung cấp dịch vụ cho DN ở các quy mô khác nhau. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA), hơn 50% các lãnh đạo DN cao cấp cho rằng, lĩnh vực kế toán, kiểm toán đang ở ngưỡng cửa của sự phát triển hệ thống kế toán, kiểm toán tự động hóa. Nhiều DN kiểm toán đã ứng dụng công nghệ nhận diện hình ảnh thông qua sự kết nối giữa các camera gắn trên thiết bị không người lái với hệ thống máy tính để thực hiện các hoạt động kiểm toán số lượng hàng tồn kho.

Thứ hai, sự gia tăng ngày càng nhanh của các giải pháp phần mềm kế toán, kiểm toán.

Việc ứng dụng của các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đang và sẽ làm thay đổi diện mạo của lĩnh vực này. Sự thay đổi đó xuất phát từ gia tăng nhu cầu phần mềm hóa các công việc liên quan đến kế toán, kiểm toán của DN, nhiều DN phần mềm trong lĩnh vực này đã đáp ứng nhu cầu đó của DN với tốc độ chóng mặt. Các nền tảng công nghệ phần mềm sở hữu nhiều cấp độ khác nhau của các chức năng và công việc mà các kế toán, kiểm toán viên đánh giá cao nhất, ví dụ như quy trình tối ưu hóa và giảm thiểu tối đa các công việc đơn giản. Theo một nghiên cứu của Fortune Business Insights, xét ở phạm vi toàn cầu, nhu cầu đối với các nền tảng công nghệ quản lý hệ thống sổ sách kế toán, bảng tính và các nền tảng đó còn giúp DN quản lý các khoản chi liên quan đến thuế tốt hơn.

Với hệ thống kế toán, kiểm toán trên nền tảng điện toán đám mây, lãnh đạo DN có thể truy cập vào hệ thống và có được dữ liệu báo cáo về DN của mình bất cứ thời gian nào. Các dữ liệu đó bao gồm hàng tồn kho, tổng doanh thu và tổng chi phí. Hơn nữa, hệ thống này còn giúp cho DN tiết kiệm thời gian trong xây dựng quy trình công việc. Với những lợi ích như vậy, nhiều DN đã chuyển sang sử dụng hệ thống kế toán, kiểm toán dựa trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây. Theo báo cáo của Công ty Phần mềm kế toán, kiểm toán Xero, 53% khách hàng của Công ty này đã ứng dụng công nghệ trong quản lý dự án và trao đổi thông tin với khác hàng. Điều đó cho thấy, đây sẽ là xu hướng lớn trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán; thậm chí là bước nhảy vọt đối với sự gia tăng hiệu quả trong phân tích, báo cáo hoàn chỉnh tình trạng tài chính cho những người đứng đầu DN.

Thứ ba, kế toán và kiểm toán viên chuyển sang tập trung vào phân tích dữ liệu phục vụ cho quá trình ra quyết định của DN thay vì tập trung vào đảm bảo tính xác thực và sự phù hợp với các chuẩn mực kế toán của các giao dịch trong DN.

Sự hỗ trợ của công nghệ kế toán, kiểm toán viên có thể kiểm tra hệ thống chứng từ nhanh hơn nhiều. Các phần mềm kế toán, kiểm toán (trong đó đã bao hàm cả công nghệ học máy) đã giúp cho kế toán, kiểm toán viên kiểm tra toàn bộ dữ liệu thay vì một mẫu nhỏ. Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đã làm cho các công việc của kế toán, kiểm toán viên chuyển trọng tâm sang phân tích dữ liệu. Các kế toán, kiểm toán viên có vai trò mới là những nhà tư vấn có các kỹ năng độc đáo trong phân loại và xử lý dữ liệu phục vụ cho quá trình ra quyết định của lãnh đạo DN. Xử lý và phân tích các con số tài chính của những kế toán, kiểm toán viên giúp cho lãnh đạo DN hiểu sâu sắc hơn hoạt động của DN, điều mà giúp cho họ xác định được những khâu, lĩnh vực nào của DN sẽ phải cải thiện để gia tăng hiệu quả, giảm chi phí và quản lý rủi ro tốt hơn.

Thứ tư, việc ứng dụng công nghệ chuỗi khối đang làm thay đổi nhận thức và hoạt động của lĩnh vực kế toán, kiểm toán trên phạm vi toàn cầu.

Công nghệ chuỗi khối đang làm thay đổi lĩnh vực kế toán, kiểm toán bằng việc giảm chi phí trong đối chiếu và quản lý sổ sách kế toán. Công nghệ này cũng yêu cầu sự chính xác đối với quyền sở hữu và lịch sử của các tài sản. Với công nghệ này, kế toán và kiểm toán viên có được cái nhìn toàn cảnh về trách nhiệm và các nguồn lực hiện có của DN.

Bốn công ty kế toán, kiểm toán hàng đầu thế giới (Deloitte, PwC, EY, KMPG) hiện đã hòa vào xu hướng ứng dụng công nghệ chuỗi khối thông qua việc cho phép nhân viên của họ làm việc dựa trên công nghệ này. Theo đó, những phòng kế toán, kiểm toán truyền thống của các công ty này sẽ bị thu hẹp. Theo số liệu của trang Statista.com các dự án sử dụng công nghệ chuỗi khối trong thời gian gần đây đã cho thấy, sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng người sử dụng, thu hút được khoảng 1 tỷ USD đầu tư. Những thay đổi về cách thức người tiêu dùng và DN giao dịch với nhau sẽ đặt ra yêu cầu thay đổi cách thức mà lĩnh vực kế toán, kiểm toán đang vận hành.

Thứ năm, xu hướng hài hòa chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc gia và thế giới.

Trong một thế giới toàn cầu hóa, các nền kinh tế hầu hết đã mở cửa để giao thương với nhau. Trong đó, sự tương thích các hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán giữa các quốc gia có trao đổi quan hệ thương mại là điều không thể tránh khỏi. Hiện nay, đang tồn tại 2 hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán là ở cấp quốc gia và thế giới. Mặc dù, mỗi quốc gia có thể lựa chọn và thiết lập cho mình một hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán riêng, nhưng điều đó không có nghĩa là hệ thống đó không tương thích với hệ thống chuẩn mực của thế giới. Một hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán khép kín sẽ gây ra những khó khăn cho DN trong việc gia nhập sân chơi khu vực và toàn cầu.

Dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, hệ thống kế toán, kiểm toán của các quốc gia thành viên sẽ phải có những thay đổi, cải cách căn bản để có thể tiếp cận và hòa nhập có chọn lọc các nguyên tắc thông lệ phổ biến của lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Sẽ luôn tồn tại những khoảng cách nhất định giữa hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm quốc gia và thế giới. Tuy nhiên, xu thế hòa nhập giữa 2 hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán sẽ trở thành chủ đạo trong thời gian tới thông qua quá trình hội nhập sâu và rộng khắp của các quốc gia vào nền kinh tế thế giới.

Những vấn đề mới đặt ra đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam

Việt Nam hiện nay đã ký kết hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương và đang từng bước đi vào kỷ nguyên Cách mạng công nghệ 4.0 với quyết tâm của cả hệ thống chính trị thể hiện ở nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Quá trình đó cũng đặt ra những vấn đề mới đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán, cụ thể:

Thứ nhất, số hóa lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam.

Quá trình số hóa lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam là điều không thể tránh khỏi, bởi vì các hoạt động kinh tế ngày càng đa dạng và phong phú. Số lượng các giao dịch kinh tế của DN sẽ tăng trưởng nhanh chóng, cũng như các loại hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng số sẽ đặt ra nhiều áp lực cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán, đó là phải thay đổi trọng tâm từ việc kiểm tra tính xác thực, mức độ phù hợp của các giao dịch với chuẩn mực kế toán, kiểm toán và chuẩn bị các báo cáo tài chính sang cung cấp thêm nhiều thông tin sâu hơn cho quá trình ra quyết định của DN.

Hơn nữa, dưới sự tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, các dữ liệu về hồ sơ, giấy tờ kế toán sẽ dần được chuyển sang dạng số hóa, điều này làm cho các kế toán, kiểm toán viên với những kỹ năng thông thường khó có thể nắm bắt được sự đa dạng về loại hình và hình thức giao dịch số. Các DN sẽ dần dần được vận hành trên nền tảng số cũng sẽ đặt ra yêu cầu số hóa lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Tuy nhiên, hiện nay, việc số hóa lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam chưa theo kịp được với xu hướng mới, cần có những biện pháp quyết liệt để thực hiện.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam sẽ bị giới hạn bởi hệ thống kết cấu hạ tầng số của nền kinh tế.

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực kế toán, kiểm toán cần có một hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, tương thích với các công nghệ mới này. Mặc dù, nước ta đã gia nhập câu lạc bộ của các quốc gia có mức thu nhập trung bình, nhưng hệ thống kết cấu hạ tầng của chúng ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực này. Ví dụ, tốc độ băng thông của hệ thống internet Việt Nam năm 2019 đã tụt 4 bậc so với năm 2018 theo kết quả thống kê của SpeedTest. Như vậy, nếu các DN trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và các DN khác trong nền kinh tế đều ứng dụng công nghệ 4.0 trong công việc của mình, thì với khối lượng giao dịch lớn của hàng trăm ngàn DN hệ thống mạng internet sẽ bị quá tải. Sự phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng internet sẽ đặt ra những giới hạn cho việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Đây là bài toán nan giải của lĩnh vực kế toán, kiểm toán do việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng số không phải là việc có thể tiến hành nhanh, trong khi việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán có thể sẽ diễn ra rất nhanh chóng.

Thứ ba, lộ trình hài hòa chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc gia với thế giới.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với nhiều đơn vị liên quan để tổ chức các hội thảo, thực hiện khảo sát nhu cầu áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) của DN tại Việt Nam. Thông qua đó, Bộ Tài chính đã thu thập được nhiều thông tin về nhu cầu của DN và đang tiến hành các công việc cần thiết để có thể triển khai việc hài hòa hóa IFRS trong hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều DN của Việt Nam chưa tìm hiểu và chưa được đào tạo về hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán mới này sẽ tạo ra những xáo trộn trong hoạt động của DN. Hơn nữa, việc thay đổi chuẩn mực kế toán, kiểm toán cũng sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động của DN thuộc lĩnh vực này trong chuyển đổi mô hình hoạt động và các quy trình thực hiện. Việc thay đổi này cũng làm cho các DN phải gia tăng chi phí ban đầu để chuyển đổi hệ thống và chi phí đào tạo nhân viên hiện tại.

Theo đó, các DN kế toán, kiểm toán Việt Nam cần chú ý những điểm sau: (i) Sự thay đổi của hạ tầng kinh tế và pháp lý toàn cầu; (ii) Gia tăng sự phức hợp của luật và quản trị DN; (ii) Sự hài hòa sâu sắc hơn giữa chuẩn mực kế toán, kiểm toán và nguyên tắc kinh doanh; (iii) Mở rộng phạm vi, khối lượng và mức độ phức tạp của các báo cáo tài chính và phi tài chính; (iv) Quản trị và viễn cảnh của việc thuê ngoài thực hiện các dịch vụ công; (v) Mở rộng hoạt động thu thuế.

Thứ tư, thay đổi mô hình tổ chức các DN kế toán, kiểm toán của Việt Nam.

Dưới ảnh hưởng từ các xu hướng phát triển của các DN kế toán, kiểm toán của khu vực và thế giới, đáp ứng những nhu cầu mới của DN trong các ngành công nghiệp khi ứng dụng công nghệ 4.0, mô hình tổ chức các DN kế toán, kiểm toán của Việt Nam cũng cần phải được thay đổi. Nhiều DN ở Việt Nam đã bắt đầu thay đổi mô hình tổ chức để ứng dụng các công nghệ chuỗi khối, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo nhằm làm giảm chi phí và sử dụng hiệu quả tối đa các nguồn lực là một thực tế mà các DN kế toán, kiểm toán phải cân nhắc và thay đổi mô hình tổ chức của mình. Tuy nhiên, sự thay đổi mô hình tổ chức như vậy chưa có tiền lệ và các DN kế toán, kiểm toán cũng cần phải học tập, thu thập tri thức mới về các mô hình tổ chức DN trong lĩnh vực của mình có ứng dụng các công nghệ mới này. Quá trình đó đòi hỏi DN không ngừng tiếp thu tri thức mới và tính toán các khoản mục đầu tư cho công nghệ của mình để có thể tiết kiệm các chi phí phát sinh. Khả năng thu hồi vốn đầu tư từ những khoản đầu tư phát sinh từ quá trình thay đổi mô hình tổ chức, ứng dụng công nghệ 4.0 cũng là một vấn đề các DN kế toán, kiểm toán cần cân nhắc thận trọng.

Theo đó, những xu hướng sau sẽ ảnh hưởng mạnh đến mô hình tổ chức của DN kế toán, kiểm toán: (i) Sự phát triển của hệ thống kế toán, kiểm toán tự động hóa; (ii) Sự gia tăng các mô hình kinh doanh mới, nhu cầu và dịch vụ mới; (iii) Sự ứng dụng của điện toán đám mây; (iv) Các phương thức kêu gọi vốn đầu tư mới; (v) Sự̉ dụng công nghệ để tăng chất lượng của báo cáo tài chính và các loại báo cáo khác.

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam.

Các xu hướng mới trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán cũng đặt ra yêu cầu phát triển mới các nhóm kỹ năng cần thiết cho các kế toán và kiểm toán viên. Bên cạnh những kiến thức chuyên môn sâu của các nghiệp vụ kế toán, kiểm toán, các kế toán, kiểm toán viên trong tương lai cũng cần các kỹ năng và kiến thức về luật pháp, công nghệ thông tin, truyền thông và quản lý. Điều đó đặt ra yêu cầu cho các cơ sở đào tạo và bản thân DN thay đổi các chương trình đào tạo và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Tóm lại, xu hướng thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán trên phạm vi khu vực và thế giới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu. Điều đó đặt ra nhiều vấn đề đối với sự phát triển lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

Kiều, Hoàn Quốc (2020), “Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến mô hình phân phối của các DN Việt Nam”, Khoa học thương mại. 140(12-21);

Nguyễn, Thắng (2019), “Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến một số ngành công nghiệp của Việt Nam”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam(12), tr. 14-16;

ACCA (2016), Professional Accountants—The Future: Drivers of Change and Future Skills, ACCA London, UK, London, UK;

PwC (2018), Financial Statement Audit: Tech-Enabling the Audit for Enhanced Quality and Greater Insights, Pricewaterhouse and Coopers;

Harris, SB (2017), “Technology and the Audit of Today and Tomorrow”, Hentet. 5, tr. 2018;

Hay, David (2019), The Future of Auditing, Routledge;

Hoffman, Charles (2019), Accounting and Auditing in the Digital Age.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2020

2020-08-12T14:54:36+07:00
Liên hệ