Nội dung bài này người viết không lặp lại lý thuyết mà nhấn mạnh đến những vấn đề thực tế kế toán gặp phải trong quá trình hợp nhất báo cáo tài chính.
Chắc hẳn các bạn đã học nhiều kiến thức về chủ đề hợp nhất báo cáo tài chính. Như các bạn đã biết, một nội dung quan trọng khi lập báo cáo tài chính hợp nhất là loại trừ giao dịch nội bộ. Giao dịch nội bộ phổ biến là bán hàng từ công ty mẹ sang công ty con hoặc ngược lại. Các khoản lãi, lỗ chưa thực hiện từ các giao dịch bán hàng nội bộ đang phản ánh trong giá trị của hàng tồn kho cuối kỳ phải được loại trừ hoàn toàn.
Theo đó:
[Lãi/lỗ chưa thực hiện trong hàng tồn kho cuối kỳ] = [Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ tính theo giá bán nội bộ] – [Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ tính theo giá vốn của bên bán]
Công thức nêu trên được áp dụng trong trường hợp kế toán biết rõ hàng bán nội bộ còn tồn trong kho của bên mua vào thời điểm cuối kỳ hay không. Nếu bên mua vừa mua nội bộ, vừa mua bên ngoài cùng một mặt hàng và thủ kho bên mua không thể xác định hàng tồn kho cuối kỳ thuộc về bên bán nội bộ hay bên bán thứ ba thì kế toán sẽ giải quyết thế nào?
Minh họa tình huống: Trong kỳ Công ty Con mua 20 sản phẩm A từ Công ty Mẹ và 100 sản phẩm A từ nhà cung cấp bên ngoài. Công ty Con đã bán 40 sản phẩm A cho khách hàng bên ngoài. Giá vốn của Công ty Mẹ là $150/sản phẩm; giá mua nội bộ của Công ty Con là $200/sản phẩm. Như vậy phần lãi từ nghiệp vụ bán nội bộ là:
($200 – $150) * 20 sản phẩm = $1,000.
Việc xác định Lãi chưa thực hiện trong hàng tồn kho cuối kỳ phụ thuộc vào phương pháp tính giá hàng xuất kho của Công ty Con. Nội dung bài viết này đề cập đến hai phương pháp phổ biến là: (i) Nhập trước – Xuất trước và (ii) Bình quân gia quyền.
Trường hợp Công ty Con dùng phương pháp Nhập trước – Xuất trước (FIFO)
Phương pháp này áp dụng dựa trên giả sử là hàng được mua trước thì được xuất trước và giá trị hàng xuất kho được tính theo giá của lô hàng nhập trước và thực hiện theo trình tự cho đến khi chúng được xuất ra hết. Như vậy, kế toán sẽ nắm rõ 20 sản phẩm A mua từ Công ty Mẹ đã xuất bao nhiêu và số lượng còn tồn tại thời điểm cuối kỳ báo cáo. Giả sử trong 20 sản phẩm A này còn tồn 5 sản phẩm tại thời điểm cuối kỳ. Phần lãi chưa thực hiện trong hàng tồn kho cuối kỳ = ($200 – $150) * 5 sản phẩm = $250. Phần lãi chưa thực hiện này sẽ được loại trừ khi lập báo cáo tài chính hợp nhất.
Trường hợp Công ty Con dùng phương pháp Bình quân gia quyền
Kế toán có thể áp dụng phương pháp bình quân gia quyền cả kỳ dự trữ hay phương pháp bình quân gia quyền sau mỗi lần nhập. Thực tế phần mềm kế toán không thể đáp ứng việc xử lý dữ liệu nếu phương pháp bình quân gia quyền sau mỗi lần nhập được áp dụng. Vì vậy, kế toán thường áp dụng phương pháp bình quân gia quyền cho mỗi tháng để phục vụ việc lập báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Để người đọc tiện theo dõi, giả sử những nghiệp vụ phát sinh rơi đúng vào 1 tháng và những tháng còn lại không phát sinh nghiệp vụ khác. Như vậy kế toán xem như 20 sản phẩm A mua nội bộ đã bán ra ngoài theo tỷ lệ: 40 / (100 + 20) = 1/3. Số sản phẩm A mua nội bộ đã bán ra ngoài là: 20 * 1/3 = 6.67 sản phẩm, làm tròn là 7 sản phẩm. Số sản phẩm A mua nội bộ còn tồn cuối kỳ là 13 sản phẩm.
Lãi chưa thực hiện trong hàng tồn kho cuối kỳ = ($200 – $150) * 13 sản phẩm = $650 và phần lãi chưa thực hiện này sẽ được loại trừ khi lập báo cáo tài chính hợp nhất.
Khi các bạn làm hợp nhất báo cáo tài chính, thực tế sẽ phát sinh nhiều vấn đề không có trong lý thuyết. Còn rất nhiều những vấn đề cần chú ý nhưng ở nội dung bài viết này, người viết chỉ tập trung vào nghiệp vụ bán hàng nội bộ. Những nghiệp vụ bán nội bộ khác (ví dụ bán tài sản cố định) sẽ được trình bày ở những bài viết tiếp theo.
Báo cáo tài chính hợp nhất cũng là một trong những nội dung của môn Strategic Business Reporting (SBR) thuộc chương trình Kế Toán Công Chứng Anh Quốc ACCA. ACCA là văn bằng danh giá về Kế toán – Tài chính do Hiệp hội Kế Toán Công Chứng Anh Quốc ACCA cấp và được công nhận rộng rãi trên toàn cầu. Đ
Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích cho các bạn!
GIỚI THIỆU TÁC GIẢ TỪ ACCA: Tác giả bài viết Giảng viên ACCA tại Smart Train Với những kiến thức ở trên, hi vọng các bạn đã có cái nhìn đầu tiên về báo cáo tài chính hợp nhất, một phần kiến thức sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong quá trình học các môn ACCA như F3, F7, P2. Nếu bạn chưa bắt đầu học F3, hãy đọc qua chuẩn mực kế toán Việt Nam số 25: Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào công ty con để có thể dễ dàng tiếp thu kiến thức của phần báo cáo hợp nhấtvà tạo tiền đề để học các môn cao hơn. Ngoài ra, báo cáo tài chính hợp nhất cũng là phần quan trọng mà bạn sẽ tiếp xúc trong quá trình đi làm sau này. Vì vậy hãy đọc và tìm hiểu báo cáo tài chính ngay từ bây giờ nhé. |
CẦN THÊM THÔNG TIN? CHÚNG TÔI Ở ĐÂY ĐỂ HỖ TRỢ BẠN