Một Số Gợi Ý Xây Dựng Kiểm Toán Nội Bộ Ngân Hàng Trong Thời Kỳ Hội Nhập

//Một Số Gợi Ý Xây Dựng Kiểm Toán Nội Bộ Ngân Hàng Trong Thời Kỳ Hội Nhập
Mung xuan hai loc 2024_web
HB CIA_Banner website
Uu dai ACCA (1)_website2
Phân tích đầu tư tài chính CFA_website copy 2
Chinh phục CMA_xuan_Banner Website 1920×381
Thong thao IFRS_website copy
Quản trị Nguồn Vốn và Tài Chính_CTP_Banner Website
dịch vụ cho thuê phòng học hội thảo 1
Banner 15 năm-03

Một Số Gợi Ý Xây Dựng Kiểm Toán Nội Bộ Ngân Hàng Trong Thời Kỳ Hội Nhập

Với hệ thống hơn 100 ngân hàng hiện đang có mặt tại Việt Nam bao gồm cả ngân hàng thương mại quốc doanh, ngân hàng thương mại cổ phần(TMCP), ngân hàng nước ngoài, đặc biệt sự phát triển nóng của các ngân hàng TMCP trong thời gian vừa qua đang là bài toán thách thức đối với quản trị ngân hàng. Sức ép tăng vốn điều lệ, tăng trưởng mạnh về tổng tài sản, sự tăng trưởng nhanh về tín dụng, nợ xấu tăng cao, sự mở rộng các chi  nhánh/phòng giao dịch… đang là những vấn đề cần bàn trong quản trị ngân hàng. Hơn nữa hội nhập quốc tế đòi hỏi các ngân hàng phải quản trị theo thông lệ quốc tế trong đó hình thành nên bộ phận kiểm toán nội bộ là một vấn đề tất yếu. Kiểm toán nội bộ là công cụ quản trị hữu hiệu trong thời kỳ hội nhập. Trong phạm vi bài viết này tác giả muốn làm rõ hai khái niệm kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ đồng thời chỉ ra lợi ích của hoạt động kiểm toán nội bộ và đề xuất một số giải pháp xây dựng chiến lược kiểm toán nội bộ hiện đại trong các ngân hàng thương mại.

1. Kiểm toán nội bộ và lợi ích của hệ thống kiểm toán nội bộ

Trong phần này, tác giả muốn làm rõ các khái niệm kiểm soát nội bộ (KSNB), kiểm toán nội bộ (KTNB) theo qui định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tại thông tư số 44/2011/TT- NHNN, ngày 29/12/2011.

Theo Điều 3 TT 44/2011/TT – NHNN thì hệ thống kiểm soát nội bộ là tập hợp các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ, cơ cấu tổ chức của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xây dựng phù hợp theo quy định pháp luật hiện hành và được tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các rủi ro và đạt được các mục tiêu mà tổ chức tín dụng đã đặt ra.

Hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phải được đánh giá độc lập theo quy định của khoản 3 điều 40 của Luật tín dụng. Định kỳ hàng năm, kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng phải thực hiện rà soát đánh giá về tính thích hợp, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ. Việc kiểm tra, đánh giá độc lập phải được thực hiện bởi bộ phận kiểm toán nội bộ hoặc tổ chức kiểm toán độc lập hoặc một tổ chức khác có đủ trình độ và khả năng thực hiện việc kiểm tra, đánh giá độc lập theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. (theo điều 7 TT44/2011/TT-NHNN). Như vậy chúng ta có thể thấy Kiểm toán nội bộ thực hiện nhiệm vụ đánh giá hệ thống kiểm tra kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, Kiểm toán nội bộ sẽ không thực hiện một số công việc can thiệp đến phòng KSNB như: rà soát, đánh giá lại phương pháp, chương trình kiểm tra của phòng KSNB, chọn mẫu kiểm toán lại công việc của phòng KSNB. Kiểm toán nội bộ phải được tách biệt với kiểm soát nội bộ. Kiểm toán nội bộ là việc rà soát, đánh giá độc lập, khách quan đối với hệ thống kiểm soát nội bộ; đánh giá độc lập về tính thích hợp và tuân thủ quy định, chính sách nội bộ, thủ tục, quy trình đã được thiết lập trong tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; đưa ra kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của các hệ thống, quy trình, quy định, góp phần bảo đảm tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật. Mục tiêu và chức năng cơ bản của kiểm toán nội bộ bao gồm:

– Hoạt động vì sự an toàn, hiệu quả của ngân hàng

– Rà soát, đánh giá độc lập, khách quan về mức độ đầy đủ, tính thích hợp, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm cải tiến, hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ.

– Phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

– Đảm bảo an toàn bảo mật thông tin và hoạt động liên tục của hệ thống thông tin hoạt động nghiệp vụ.

– Đưa ra kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của các hệ thống, quy trình, quy định, góp phần bảo đảm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật.

Theo điều 15 TT 44/2011/TT- NHNN, kiểm toán thực hiện:

– Kiểm toán tất cả các hoạt động, các quy trình nghiệp vụ và các đơn vị, bộ phận của tổ chức tín dụng.

– Kiểm toán đặc biệt và tư vấn theo yêu cầu của Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát.

Kiểm toán nội bộ tiến hành cả 03 loại hình kiểm toán: Kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ, và kiểm toán Báo cáo tài chính. Như vậy phạm vi công việc của kiểm toán nội bộ không chỉ bao hàm chức năng của kiểm toán tuân thủ mà còn đánh giá toàn hệ thống thông qua kiểm toán hoạt động và kiểm toán báo cáo tài chính.

Việc đầu tư vào phát triển một bộ phận KTNB chuyên nghiệp là theo đúng xu thế quốc tế về xây dựng mô hình quản trị Ngân hàng hiện đại. Với các chức năng, phạm vi hoạt động, cộng với tính chuyên nghiệp và độc lập cao, Kiểm toán nội bộ sẽ giúp đánh giá toàn bộ hệ thống KSNB của Ngân hàng, nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống. Công tác kiểm toán nội bộ thực sự là công cụ hữu hiệu giúp Hội đồng quản trị và ban điều hành đảm bảo thực hiện cân đối 3 mục tiêu: tăng trưởng, hiệu quả và kiểm soát. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, các ngân hàng đã và đang xây dựng cho mình một hệ thống kiểm toán nội bộ một cách tối ưu nhất.

Sau đây là một số gợi ý xây dựng chiến lược cho một chức năng KTNB hiện đại.

2. Chiến lược cho một chức năng kiểm toán nội bộ hiện đại tại các ngân hàng thương mại

Kiểm toán nội bộ sẽ mang lại các giá trị trên cho ngân hàng thông qua xây dựng chiến lược phát triển trên các khía cạnh: Chiến lược, cơ cấu tổ chức, quy trình, con người và công nghệ.

2.1. Xây dựng chiến lược

Để phát triển một khung chiến lược phù hợp, trước hết bộ phận KTNB phải xác định kỳ vọng (yêu cầu) của các nhà lãnh đạo cấp cao, Hội đồng quản trị (HĐQT) và BGĐ về giá trị mà KTNB mang lại cho tổ chức. Trên cơ sở đó mô tả những nhiệm vụ của KTNB thông qua điều lệ, qui chế kiểm toán và cuối cùng là xây dựng chiến lược phát triển chính thức cho KTNB.

Trong giai đoạn đầu, kiểm toán nội bộ của Ngân hàng nên tập trung vào các lĩnh vực truyền thống bao gồm: kiểm toán tuân thủ trong lĩnh vực tài chính và nghiệp vụ; cải thiện quy trình kiểm soát nội bộ. Trong các giai đoạn tiếp theo kiểm toán nội bộ tập trung vào các lĩnh vực: cải thiện quy trình kinh doanh, quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp, công nghệ, gian lận và các dịch vụ tư vấn. Kiểm toán nội bộ được xây dựng luôn phải đảm bảo chất lượng công việc của mình. Kiểm toán nội bộ thường xuyên đổi mới để đảm bảo cung cấp các dịch vụ có chất lượng và hiệu quả vừa tuân thủ đúng chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước, tuân thủ các quy định, quy chế trong nội bộ ngân hàng mà còn phát triển theo xu hướng hội nhập kế toán – kiểm toán quốc tế.

2.2. Xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy kiểm toán nội bộ

Bộ máy kiểm toán nội nên xây dựng theo mô hình tập trung, hoạt động KTNB nên tập trung tại Hội sở chính của các ngân hàng. Tuỳ thuộc vào mức độ phát triển của mạng lưới ngân hàng mà hoạt động nội bộ có thể xem xét mở rộng khu vực tại các chi nhánh hay phòng giao dịch…Các ngân hàng thương mại nên xây dựng trình tự chiến lược thiết lập và vận hành bộ máy kiểm toán nội bộ cả trong ngắn hạn và dài hạn để phù hợp với điều kiện của từng ngân hàng.

Khi mạng lưới kiểm toán nội bộ được mở rộng, Bộ phận KTNB sẽ cần tách riêng các phòng kiểm toán nội bộ của các khu vực chứ không còn là một phòng tổng hợp như ban đầu. Và do tính chất của các hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng thì cũng nên có bộ phận kiểm toán công nghệ thông tin riêng biệt, bộ phận này sẽ cung cấp các dịch vụ cho tất cả các phòng kiểm toán khu vực và phòng kiểm soát chất lượng KTNB (như theo sơ đồ sau):

2.3. Xây dựng quy trình KTNB

Ngay trong hoạt động đầu tiên của bộ phận kiểm toán nội bộ, điều lệ kiểm toán nội bộ cần được ban hành dưới sự phê duyệt của hội đồng quản trị sau khi đã tham khảo ý kiến của ban giám đốc và ban kiểm soát. Đồng thời trưởng ban kiểm soát cũng cần phê duyệt sổ tay kiểm toán nội bộ bao gồm các quy trình kiểm toán. Hàng năm hoặc định kỳ phải luôn luôn cập nhật những thông tin về quy trình kiểm toán, chương trình kiểm toán mẫu đối với các lĩnh vực chưa được đề cập trong cuốn sổ tay lần đầu tiên để hoàn thiện và phù hợp với thực tế của ngân hàng … Quy trình kiểm toán nội bộ trong ngân hàng cần phải được xây dựng đầy đủ các giai đoạn:

Giai đoạn 1: Lập kế hoạch cuộc kiểm toán.

Trong giai đoạn này, đặc biệt chú trọng các bước công việc sau:

– Thứ nhất, tìm hiểu mong muốn của các bên hữu quan. Bộ phận KTNB cần có hiểu biết rõ ràng và hoàn chỉnh về mong muốn của các bên liên quan đến hoạt động kiểm toán, để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch.

– Thứ hai, thu thập thông tin về đơn vị được kiểm toán

– Thứ ba, lập chương trình kiểm toán

Giai đoạn 2: Thực hiện kiểm toán nội bộ

Các bước công việc cần thực hiện:

– Thứ nhất, thực hiện các thủ tục kiểm toán. Khâu này bao gồm việc thực hiện các thủ tục và các bước kiểm toán đã được thể hiện trong kế hoạch kiểm toán

-Thứ hai, ghi chép hồ sơ kiểm toán. Trong quá trình kiểm toán, các KTVNB cần tiến hành ghi chép một cách đầy đủ, hợp lý các công việc của họ vào giấy tờ làm việc. Các phát hiện trong quá trình kiểm toán cần được ghi chép một cách kịp thời với các bằng chứng đi kèm.

Giai đoạn 3: Kết thúc kiểm toán và lập báo cáo kết quả kiểm toán

Trong giai đoạn này, trưởng đoàn kiểm toán thông báo kết quả KTNB dưới hình thức báo cáo KTNB. Khi lập báo cáo KTNB, KTVNB cần làm rõ các yếu tố sau: tiêu chí đánh giá, thực tế thu thập kèm theo các bằng chứng thu thập trong quá trình KTNB, nguyên nhân, ảnh hưởng của sự khác biệt giữa tiêu chí đánh giá và thực tế; kết luận và ý kiến là những đánh giá về ảnh hưởng của các vấn đề ghi nhận và ý kiến đối với các hoạt động được rà soát.

Giai đoạn 4: Theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán

Theo dõi việc thực hiện kiến nghị của KTNB là giai đoạn cuối của một qui trình KTNB nhằm đảm bảo kết quả kiểm toán được sử dụng để cải tiến hoạt động quản lý

2.4. Xây dựng và phát triển nhân sự kiểm toán nội bộ

Nhân sự là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của bộ phận kiểm toán nội bộ. Việc xây dựng và phát triển nhân sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Về số lượng kiểm toán nội bộ: Tuyển dụng những người có trình độ, kinh nghiệm phù hợp để xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ kiểm toán viên nội bộ có năng lực. Số lượng kiểm toán nội bộ phụ thuộc vào phạm vi kiểm toán của từng năm và mức độ phức tạp của từng cuộc kiểm toán.

Về năng lực chuyên môn: Đội ngũ KTNB cần thể hiện các kiến thức chyên môn chuyên sâu về các sản phẩm, dịch vụ và các quy trình hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, năng lực về quản lý rủi ro và kiểm soát rủi ro.

Các ngân hàng nên xem xét việc tăng số lượng kiểm toán viên, tăng chất lượng KTVNB thông qua đào tạo để đáp ứng với việc mở rộng quy mô kiểm toán và sự tăng trưởng của mạng lưới và các hoạt động của ngân hàng.

2.5. Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin

Hầu hết các hoạt động của ngân hàng hiện nay đều được hiện đại hoá và ứng dụng công nghệ thông tin. Việc phát triển và duy trì một đội ngũ KTNB có chuyên môn về lĩnh vực công nghệ thông tin là rất quan trọng

Trước hết, trong ngắn hạn bộ phận kiểm toán nội bộ của các ngân hàng cần phải có khả năng thực hiện kiểm toán đối với các cấu phần chính của các kiểm soát chung về công nghệ thông tin bao gồm: các chính sách chung, quy trình phát triển hệ thống, hoạt động về máy tính, những thay đổi về chương trình và truy cập tới các chương trình và dữ liệu.

Về dài hạn, bộ phận kiểm toán nội bộ cần có khả năng kiểm toán các kiểm soát tự động và sử dụng các kỹ thuật kiểm toán có sự trợ giúp của máy tính để hỗ trợ việc kiểm toán thông thường và kiểm toán tiếp tục. Các ngân hàng nên xem xét việc cài đặt phần mềm kiểm toán để nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ kiểm toán. Tính kinh tế của giải pháp này sẽ được chứng minh rõ nét khi đội ngũ kiểm toán của ngân hàng đủ lớn mạnh.

2.6. Xây dựng các chỉ tiêu, tiêu chí kiểm soát chất lượng kiểm toán nội bộ

Các chỉ tiêu, tiêu chí để đo lường hiệu quả hoạt động của phòng KTNB của các ngân hàng trong các lĩnh vực: nhân sự, hiệu quả, chất lượng, chi phí và báo cáo.

– Nhân sự: Tiêu chí hoạt động dựa chính cụ thể là số năm làm việc trung bình trong lĩnh vực kiểm toán nội bộ, tỷ lệ phần trăm kế hoạch đào tạo được sử dụng…

– Tính hiệu quả: Tiêu chí đo lường để xem xét tính hiệu quả là số lượng các phát hiện kiểm toán lớn, tỷ lệ phần trăm các khuyến nghị được chấp nhận, khoảng thời gian từ lúc có báo cáo cuối cùng đến lúc thực hiện các khuyến nghị….

– Chất lượng: Tiêu chí đánh giá xem xét có thể là mức độ hài lòng của khách hàng, số lượng các ý kiến về hoạt động kiểm toán.

– Chi phí: số lượng các cuộc kiểm toán, mức độ hoàn thành kế hoạch kiểm toán, số giờ kiểm toán thực tế so với số giờ được lập kế hoạch, tổng chi phí để thực hiện cuộc kiểm toán, phần trăm chi phí tiết kiệm được từ tổng ngân sách của bộ phận…

– Báo cáo: Số lượng các báo cáo được lập, khoảng thời gian thực hiện, số lượng các quan điểm không hài lòng, không chấp nhận…

Những nội dung trên của bài viết chỉ mang tính khái lược về sự cần thiết và một số các gợi ý xây dựng hệ thống KTNB, xây dựng quy trình, quy chế, cách thức kiểm toán và đánh giá hoạt động KTNB. Tùy thuộc vào hoạt động của mỗi ngân hàng, bộ phận KTNB có thể chỉ có duy nhất hoặc tồn tại cùng bộ phận KSNB, song suy cho cùng đều nhằm mục đích tăng tính hiệu quả quản trị. Một số ngân hàng TMCP tại Việt Nam đã xây dựng thành công mô hình KTNB, chứng tỏ sự hoạt động hiệu quả của KTNB, từng bước tuân thủ theo chuẩn mực quản trị quốc tế./.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:

– Thông tư 44/2011/TT-NHNN ngày 29 tháng 12 năm 2011.

– Quyết định số 36/2006/QĐ-NHNN ngày 01/08/2006 của Thống đốc NHNN về quy chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ các tổ chức tín dụng.

– Quyết định số 37/2006/QĐ-NHNN ngày 01/08/2006 của Thống đốc NHNN về quy chế kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng.

– Hoạt động của hệ thống kiểm toán nội bộ; Kiểm toán nội bộ trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay –http://www.tapchiketoan.com/kiem-toan/kiem-toan-noi-bo/ ngày 12/01/2010.

– Trang web: http://www.kiemtoan.com/.

– Cẩm nang kiểm toán nội bộ của một số Ngân hàng thương mại.

– PriceWaterhouseCoopers (2003), Ten steps to a strategically focused internal audit function;

– PricewaterhouseCoopers’ WebsiteIIA (2004), Position statement: The Role of Internal Audit in Enterprise-wide Risk Management;

– Robert Moeller (2009), Brink’s Modern Internal Auditing – A Common Body of Knowledge, 7 ed., John Wiley & Sons, Inc.

Lương Thị Hồng Ngân

(Theo Tạp chí Nghiên cứu khoa học Kiểm toán số 68)

    Tags:
2016-09-06T09:15:45+07:00
Liên hệ